Để gỡ khó cho thị trường, thời gian qua, Chính phủ đã có hàng loạt chỉ đạo quyết liệt và kịp thời. Điều này tạo ra những thay đổi căn bản để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản. Cụ thể, bên cạnh việc yêu cầu sửa đổi Nghị định 65/2022 về phát hành, chào bán trái phiếu riêng lẻ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác gỡ khó cho thị trường bất động sản do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Tổ trưởng, các Tổ phó và thành viên là lãnh đạo nhiều bộ, ngành khác. Ngoài ra, Thủ tướng còn ban hành 3 công điện liên tiếp vào giữa tháng 12/2022 với các chỉ đạo quyết liệt, sát sao nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành chủ động làm việc và cùng với các địa phương, doanh nghiệp trong việc rà soát khó khăn, vướng mắc để triển khai thực hiện các dự án bất động sản. Bên cạnh đó, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương để giải quyết, tháo gỡ ngay các nội dung thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; đề xuất giải pháp cụ thể vượt thẩm quyền, nhất là các giải pháp cần thiết, cấp bách để tháo gỡ khó khăn kịp thời, vượt qua thách thức, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật theo thẩm quyền còn chồng chéo, bất cập gây cản trở trong triển khai thực hiện dự án bất động sản thuộc lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản; sớm ban hành các văn bản về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và khu đô thị.
Nguồn vốn cho thị trường bất động sản sẽ được cung ứng đầy đủ theo mục tiêu, linh hoạt và nhịp nhàng hơn. Đặc biệt, yêu cầu về việc giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật sẽ được đặt lên hàng đầu.
Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tâm lý của doanh nghiệp và thị trường đang dần được phục hồi và vững tâm hơn để vượt qua thách thức. Các doanh nghiệp đang tích cực, chủ động cơ cấu lại các phân khúc khách hàng, các sản phẩm, giá cả, thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán... phù hợp, khả thi, thuận lợi cho khách hàng, người dân, nhất là những đối tượng có nhu cầu thực sự và có tính khả thi.
“Động thái tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, cam kết của ngân hàng về hạ lãi suất… sẽ góp phần ‘phá băng’ thị trường địa ốc, khơi thông thanh khoản, gỡ khó cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Đồng thời, hạn chế rủi ro cho nền kinh tế, giúp người lao động có cơ hội tiếp cận nhà ở dễ dàng hơn trong thời gian tới”